Skip links

Mind Palace: Bước Vào Thế Giới Kì Diệu Của Trí Tưởng Tượng Trong Lâu Đài Trí Nhớ

Mind Palace: Bước Vào Thế Giới Kì Diệu Của Trí Tưởng Tượng Trong Lâu Đài Trí Nhớ

Nếu là một fan của Sherlock Holmes, bạn chắc chắn sẽ biết đến phương pháp ghi nhớ đỉnh cao của nhân vật này: mind palace (memory palace)..

Trong loạt phim trinh thám Sherlock của BBC, Sherlock Holmes (do Benedict Cumberbatch thủ vai) đã đề cập đến từ “mind palace” nhiều lần. Anh ta đến đó để lấy lại ký ức và thông tin rồi tổng hợp thành câu trả lời để giải quyết các vụ án..

Mind palace là một vị trí, nơi chốn trong suy nghĩ nơi chúng ta lưu trữ thông tin và khi cần ta sẽ quay lại vị trí lưu thông tin đó để tìm kiếm. Nghe có vẻ cao siêu nhưng thực ra đây là một phương pháp đã có từ rất lâu trước khi truyện Sherlock Holmes ra mắt. Từ thời Hy Lạp cổ đại, nhà thơ Simonides of Ceos đã phát minh ra “phương pháp Loci”.

Phương pháp loci (loci trong tiếng Latin nghĩa là “địa điểm”) là phương pháp tăng cường trí nhớ, sử dụng trực quan hóa kết hợp với việc sử dụng trí nhớ không gian, thông tin quen thuộc về môi trường của một người, để nhớ lại thông tin nhanh chóng và hiệu quả. Phương pháp của loci còn được gọi là hành trình ký ức, cung điện ký ức hoặc kỹ thuật cung điện tâm trí. Theo một truyện thần thoại, Simonides đã được yêu cầu nhận diện xác các nạn nhận trong bữa tiệc sau khi tòa nhà bị sụp đổ. Ông nêu tên mỗi cái xác dựa trên nơi họ ngồi trong hội trường.

Theo một nghiên cứu: “sau khi dành sáu tuần để tạo ra một lâu lâu đài trí nhớ trong đầu, người ta đã tăng gấp đôi số lượng từ mà họ có thể nhớ trong một khoảng thời gian ngắn và bốn tháng sau, kết quả của họ vẫn thật ấn tượng.”

Bộ não của chúng ta ghi nhớ hình ảnh và không gian, môi trường xung quanh tốt hơn là ghi nhớ chữ viết và con số. Tận dụng lợi thế đó, mind palace như là một công cụ ghi nhớ “hack não” đầy thú vị chứ không khô khan, máy móc như một số phương pháp ghi nhớ dựa vào số lần lặp khác. Thú vị ở chỗ bạn vừa được thỏa trí tượng phong phú của mình vừa ghi nhớ được những kiến thức bổ ích và quan trọng.

Ví dụ, bạn có một danh sách đồ cần mua ở siêu thị nhưng không muốn liên tục mở checklist ra xem thì hãy thử tạo ra một không gian tưởng tượng như phòng khách ở nhà bạn. Sau đó, gán từng thứ cần mua vào một đồ vật cụ thể trong phòng khách theo thứ tự mà bạn dễ nhớ nhất. Chẳng hạn, vị trí số 1 là mì gói và đồ vật đầu tiên bạn thấy trong phòng khách là giá treo đồ. Bạn sẽ tưởng tượng được gì để liên kết mì gói và giá treo đồ nhỉ? Liệu đó sẽ là một chiếc áo đan từ sợ mì treo trên giá? Nghe thú vị phải chứ? Có thể đó sẽ lần đầu tiên trong đời bạn suy nghĩ vớ vẩn và kì dị nhưng không phải thấy có chút xấu hổ hay tội lỗi gì về điều đó bởi vì, dù sao, nó cũng là cống hiến cho một việc bổ ích mà!?

Có rất nhiều nhà vô địch thế giới về các cuộc thi trí nhớ cũng đã sử dụng phương pháp mind palace để ghi nhớ một khối lượng khổng lồ kiến thức và con số.

Tới đây, hẳn còn nhiều bạn vẫn hoài nghi về mind palace, vậy tại sao không thử xây một lâu đài trí nhớ cho riêng mình bằng 4 bước đơn giản sau? Đảm bảo các bạn sẽ thấy ngạc nhiên bởi khả năng ghi nhớ của chính mình sau khi áp dụng thành công phương pháp nổi tiếng này.

Bước 1: Tạo một lâu đài trí nhớ và hành trình trí nhớ của riêng bạn.

Lâu đài trí nhớ của bạn có thể là chính ngôi nhà bạn ở, văn phòng làm việc, đường phố, các tòa nhà hai bên đường phố hoặc những không gian không tồn tại bạn tự tưởng tượng ra. Bất cứ địa điểm nào miễn là bạn cảm thấy quen thuộc với nơi đó

Bước 2: Tạo ra một hành trình và đi theo hành trình đó.

Ta sẽ tiếp tục với danh sách đồ cần mua sắm và phòng khách đã nêu ở trên. Danh sách gồm có 5 món đồ là mì gói, rau cải thìa, xúc xích, tương ớt và tương cà. Trong phòng khách, hãy chọn hoặc tạo ra những đồ vật có kích cỡ lớn và nổi bật và đặt số từ 1 đến 5 theo thứ tự mà bạn có thể nhớ tốt nhất. Lưu ý, hãy cố định thứ tự đó, không nên tùy hứng thay đổi thứ tự vì nó sẽ khiến sự ghi nhớ của bạn bị lộn xộn. Như vậy, số 1 sẽ là giá treo đồ, số 2 là ghế sofa, số 3 là bình hoa, 4 và 5 lần lượt là hai đứa trẻ đang ngồi chơi gần bình hoa.

Bước 3: Ghi nhớ những điểm chi tiết của đồ vật trong mind palace của bạn.

Đây là bước cần thiết dành cho một không gian không tồn tại ngoài đời thực hoặc những nơi bạn mới đến lần đầu tiên. Nếu là một nơi có thực và bạn mới đến lần đầu thì hay để ý đến những chi tiết nổi bật ở nơi đó. Còn nếu là một nơi bạn tưởng tượng ra thì hãy tạo nhưng chi tiết gần gũi và dễ nhất đối với bạn. Ví dụ, phòng khách tưởng tượng trên sẽ có một giá treo đồ được thiết kế là một cái cây có những chiếc móc để treo quần áo lên đó hoặc một cái ghế sofa màu nâu cánh gián.

Bước 4: Liên kết những điều bạn cần nhớ với hành trình trí nhớ bạn đã chọn hoặc tạo ra.

Và chúng ta đã đến bước thú vị nhất, nơi phát huy trí tưởng tượng phong phú của bạn. 

Hãy thử liên kết hình ảnh bạn cần nhớ bên phải với hình ảnh bên cột trái. Bạn có thể tự tạo ra cho mình một mind palace khác để ghi nhớ những thứ phức tạp hơn phục vụ cho việc học như các sự kiện lịch sử, từ vựng tiếng Anh. Khi đã quen với phương pháp này, việc ghi nhớ sẽ dễ dàng hơn bao giờ hết.

Comments are closed.